Sửa quy định về đăng ký, mua bán tàu biển
Sửa quy định về đăng ký, mua bán tàu biển
Sửa quy định về đăng ký, mua bán tàu biển
Quy định mới đề xuất bổ sung tàu container vào trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định trong đăng ký tàu biển, nhưng không quá 17 năm.
Cục Hàng hải VN đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 171/2016 của Chính phủ quy định về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển và Nghị định số 86/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 171/2016.
Điểm đáng chú ý tại dự thảo là đề xuất bổ sung trường hợp với tàu container trong đăng ký tàu biển.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 171/2016 của Chính phủ quy định về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển để xuất điều chỉnh nhiều quy định mới
Cụ thể, trong việc đăng ký tàu biển, dự thảo đề xuất đối với trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định nhưng không quá 17 năm (áp dụng đối với tàu vận tải hàng container); không quá 20 năm áp dụng đối với các loại tàu như tàu chở hóa chất, chở khí hóa lỏng, chở dầu hoặc kho chứa nổi.
Tại quy định hiện hành, đối với giới hạn tuổi tàu biển được đăng ký tại Việt Nam, tuổi của tàu biển, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động mang cờ quốc tịch nước ngoài đã qua sử dụng khi đăng ký tại Việt Nam được thực hiện theo quy định: Tàu khách, tàu ngầm, tàu lặn là không quá 10 năm; Các loại tàu biển khác, kho chứa nổi, giàn di động là không quá 15 năm;
Trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định nhưng không quá 20 năm và chỉ áp dụng đối với các loại tàu chở hóa chất, chở khí hóa lỏng, chở dầu hoặc kho chứa nổi như trước.
Theo Cục Hàng hải VN, đề xuất bổ sung trường hợp đặc biệt đối với tàu vận tải hàng container (không quá 17 tuổi) nhằm thực hiện theo Đề án phát triển đội tàu vận tải biển của Việt Nam.
Cũng tại dự thảo mới, Cục Hàng hải VN đề xuất nhiều điều chỉnh trong các thủ tục hành chính để phù hợp với tình hình mới, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Đơn cử, trong việc đặt tên tàu biển, tổ chức, cá nhân nộp trực tiếp một bộ hồ sơ hoặc gửi qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống Dịch vụ công trực tuyến đến cơ quan đăng ký tàu biển.
Các thủ tục cần có Hợp đồng mua, bán tàu biển hoặc hợp đồng đóng mới tàu biển hoặc các bằng chứng khác có giá trị pháp lý tương đương về quyền sở hữu đối với tàu biển (bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu, bản dịch công chứng nếu hợp đồng viết bằng ngôn ngữ nước ngoài); Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu).
Trường hợp chủ tàu là tổ chức nước ngoài thì nộp giấy phép thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam (bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu);
Trường hợp chủ tàu là cá nhân người nước ngoài thì nộp hộ chiếu (bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu).
Tương tự với các thủ tục đăng ký tàu biển không thời hạn, đối với các loại giấy tờ trong hồ sơ như Giấy chứng nhận dung tích tàu biển, Giấy chứng nhận phân cấp tàu biển, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cần có bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu.