Phát triển cảng “xanh” và bài toán triệu đô .

Phát triển cảng “xanh” và bài toán triệu đô .

Phát triển cảng “xanh” và bài toán triệu đô

 

Phát triển cảng "xanh" đã trở thành xu thế tất yếu trong lộ trình phát triển của các doanh nghiệp. Thế nhưng, để thực hiện mục tiêu này vẫn là bài toán không đơn giản.

 

Tiết kiệm thời gian, chi phí 

Những ngày tháng 7, Công ty CP Cảng Quy Nhơn đang tất bật hoàn tất công tác đầu tư hệ thống bàn nâng, băng tải và hệ thống điện phục vụ xếp dỡ hàng hóa. Dự án nhằm tiết kiệm chi phí xếp dỡ hàng hóa với mặt hàng dăm gỗ. 

Phát triển cảng “xanh” và bài toán triệu đô- Ảnh 1.

Thời gian qua, cảng Đà Nẵng đẩy mạnh số hóa, hướng tới phát triển cảng thông minh và cảng "xanh" của khu vực.

Theo đó, phương án tăng cường sử dụng băng tải thay cho việc sử dụng cẩu bờ để xếp dỡ; chuyển việc chứa hàng từ dạng xe thùng hoặc container hoán cải sang chứa trong container kín, hạn chế rơi vãi. 

Cũng trong năm 2024, Cảng Quy Nhơn triển khai hàng loạt dự án đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Trong đó, cải tạo nhiều hệ thống chuyển sang dùng năng lượng xanh như đầu tư xe nâng forklift, hệ thống kiểm soát nhiên liệu giai đoạn 3. 

Phó tổng giám đốc Cảng Quy Nhơn Hồ Liên Nam khẳng định, việc dùng các thiết bị chạy bằng điện giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận hành hơn nhiều so với chạy bằng dầu diesel. 

Đơn cử, khi bốc xếp 1 mã hàng hóa có thể tốn khoảng 2 - 3 lít dầu diesel, tương ứng 30 - 40 nghìn đồng. Vẫn mã hàng đó, nếu bốc dỡ bằng thiết bị chạy bằng điện chỉ tốn 2 - 3 số điện, khoảng 6 - 7 nghìn đồng. 

"Nếu dùng điện, hao mòn của phương tiện thiết bị ít hơn nhiều so với chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Từ đó, chi phí sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị cũng tiết kiệm hơn", ông Nam phân tích. 

Không riêng Cảng Quy Nhơn, nhiều cảng biển cũng đang dần chuyển đổi các phương tiện, thiết bị từ dùng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện để giảm phát thải CO2, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển cảng thông minh.

Tiến tới cảng thông minh, cảng "xanh"

Theo Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, nhiều cảng biển tại khu vực đang được đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để khai thác cảng. Tất cả các doanh nghiệp cảng container đều trang bị phần mềm tiên tiến để quản lý điều hành khai thác. Việc này đã rút ngắn thời gian xếp, dỡ hàng hóa, giảm thời gian tàu nằm chờ tại cảng, giúp tăng năng suất, sản lượng hàng hóa thông qua cảng.

Không chỉ trang thiết bị xếp dỡ, ngay hệ thống điện bờ cũng tốn kém. Một ổ cắm cho tàu hơn 10.000 tấn cũng khoảng chục tỷ đồng. Chuyển đổi là điều doanh nghiệp buộc phải làm. Tuy nhiên, nếu Nhà nước có cơ chế, chính sách như hỗ trợ doanh nghiệp nguồn tài chính, vốn vay ưu đãi, các doanh nghiệp có thể xúc tiến chuyển đổi nhanh hơn.

Ông Lê Quảng Đức, Phó tổng giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng

Tại miền Trung, một trong những cảng biển rốt ráo số hóa là Đà Nẵng. Đơn vị này đã triển khai hàng loạt sáng kiến chuyển đổi số nhằm tiết kiệm thời gian, xóa bỏ các thủ tục giấy, giúp khách hàng thuận tiện giao dịch thông qua môi trường số. 

Cảng dùng nhiều ứng dụng như cảng điện tử ePort, cổng container tự động AutoGate, trạm nhiên liệu tự động. Nhiều phương tiện thiết bị tại cảng cũng đã và đang chuyển sang dùng điện như các phương tiện bốc xếp, xe buýt nội bộ, xe kéo.

Là chủ đầu tư của hai cảng được định hướng "xanh" ngay từ khi xây dựng là Cảng Gemalink và Nam Đình Vũ, Công ty CP Gemadept cũng mạnh tay đầu tư công nghệ cho các cảng biển. 

Với việc đầu tư ứng dụng SmartGate sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động nhận diện các thông tin phương tiện, giấy phép lái xe, căn cước công dân, toàn bộ quá trình xác thực và đóng/mở barie cổng diễn ra tự động chỉ trong vòng 5 - 7 giây, so với 5 - 7 phút như thao tác thủ công trước đây.

Bài toán triệu đô

Cho rằng việc đầu tư phát triển cảng thông minh, hướng tới cảng "xanh" là lộ trình hướng tới, song ông Hồ Liên Nam thừa nhận đây là bài toán khó. 

Theo xu hướng phát triển cảng "xanh", nguồn vốn đầu tư là một nỗi lo. Riêng hệ thống bàn nâng, băng tải và hệ thống điện đã có kinh phí là 41 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp đang triển khai dự án đầu tư thiết bị xếp dỡ cho bến số 1 với 2 cần trục đa năng, tổng kinh phí dự kiến 70 tỷ đồng.

Theo ông Nam, do chi phí đầu tư thiết bị mới khá cao nên cảng cũng tính toán, hoán cải nhiều thiết bị cẩu đang sử dụng dầu diesel sang dùng năng lượng điện. 

"So với chi phí đầu tư cẩu mới, chi phí nâng cấp, hoán cải thiết bị sẽ chênh lệch thấp hơn khoảng 20 - 30%", ông Nam thông tin và cho biết thêm, việc đầu tư cho công nghệ thông tin cũng ngốn không ít chi phí. Hiện các doanh nghiệp cảng biển đều sử dụng các phần mềm khác nhau, tùy từng phần mềm của mỗi doanh nghiệp thực hiện theo kiểu mua đứt hay hợp tác cùng viết hoặc mua của các thương hiệu nước ngoài, mức đầu tư có thể rơi vào hàng triệu tới chục triệu USD. 

Chi phí đầu tư lớn đang là rào cản với các doanh nghiệp trong việc hướng tới mục tiêu giảm phát thải. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không thể còn đường lui khi theo lộ trình tới năm 2050, Việt Nam cam kết sẽ giảm phát thải ròng về 0. Đồng thời, cảng biển nằm trong mắt xích chuỗi logistics toàn cầu. Khi chuỗi logistics của thế giới "xanh" mà cảng không "xanh" sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. 

Một doanh nghiệp cảng biển thông tin, hiện đã có tình trạng một số mặt hàng sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu đi các nước châu Âu, Mỹ, các hãng tàu yêu cầu các khi vận chuyển đến cảng Cái Mép để xuất hàng phải được vận chuyển trên sà lan "xanh" và tới cảng "xanh". Đạt đủ các tiêu chí đó mới được xuất hàng vào các thị trường này. 

"Thậm chí, hiện nhiều hãng tàu đấu thầu dịch vụ đều yêu cầu doanh nghiệp cảng cung cấp tín dụng "xanh" mới được tham gia đấu thầu. Nếu các cảng của Việt Nam không chuẩn bị, sẽ không thể đón được các tàu lớn trong tương lai", đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Nguồn : Baogiaothông

+84(0)386959565