Các nước quản lý phụ phí hãng tàu thế nào?

Các nước quản lý phụ phí hãng tàu thế nào?

Các nước quản lý phụ phí hãng tàu thế nào?

Hiện nay, cơ chế quản lý giá cước, phụ thu của các hãng tàu Việt Nam tương đồng với một số quốc gia.

 

Nhiều quốc gia không quản lý phụ thu, giá cước

Trước tình trạng nhiều hãng tàu nước ngoài tăng phụ phí THC thời gian qua, đại diện Cục Hàng hải VN thông tin, cơ quan này đã có thư gửi một số quốc gia trong khu vực, Mỹ để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm trong việc quản lý các hãng tàu nước ngoài.

Các nước quản lý phụ phí hãng tàu thế nào?- Ảnh 1.

Tại một số quốc gia như Trung Quốc, Hoa Kỳ, các hãng tàu phải niêm yết và kê khai giá cước, phụ thu (Ảnh minh họa).

Theo phản hồi hiện nay, tại Singapore, chính quyền nước này không quy định giá cước vận tải, phụ thu ngoài giá và giá dịch vụ tại cảng biển. Mức giá do thị trường tự quyết định (hoặc chính quyền cảng định hướng).

Chính phủ Singapore cũng không yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai giá dịch vụ tại cảng biển, không quản lý các loại phụ thu và mức giá. Các hãng tàu thu các loại phụ thu của khách hàng, trong đó có giá THC như Việt Nam.

Tương tự tại Nhật Bản, các loại giá cước, phụ thu và giá dịch vụ tại cảng biển do thị trường quyết định trên cơ sở thỏa thuận giữa hãng tàu và chủ hàng. Chính phủ không quy định khung giá và không can thiệp vào mức giá của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hãng tàu phải thông báo giá cước và phụ thu cho Bộ GTVT Nhật Bản. Ngoài ra, với giá dịch vụ tại cảng biển, Chính phủ Nhật Bản yêu cầu doanh nghiệp phải niêm yết công khai.

Hoa Kỳ cũng là quốc gia không điều chỉnh giá cước, phụ thu và giá dịch vụ tại cảng biển. Dù vậy, Chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền và niêm yết công khai giá dịch vụ (Ủy ban liên bang Hàng hải Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về quản lý, giám sát việc kê khai, niêm yết giá).

Trường hợp tăng giá, phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền trước 30 ngày mới được áp dụng. Tuy nhiên, một số trường hợp, cơ quan Nhà nước có thể cho phép áp dụng sớm hơn 30 ngày, như trường hợp giảm giá.

Trong chính sách quản lý tuyến vận tải, Chính phủ Hoa Kỳ quy định hãng tàu hoạt động tại cảng biển của quốc gia này phải đăng ký tuyến vận tải với cơ quan có thẩm quyền.

Cũng yêu cầu hãng tàu khi vào hoạt động chuyên tuyến tại cảng biển phải đăng ký tuyến vận tải, Chính phủ Trung Quốc yêu cầu hãng tàu có các nội dung đăng ký tuyến gồm mẫu đăng ký, Giấy đăng ký kinh doanh, dịch vụ dự kiến tại Trung Quốc, hành trình và giá cước, vận đơn, thư chỉ định đại lý, đăng ký mẫu dấu của doanh nghiệp.

Tại Trung Quốc, Chính phủ cũng không quy định mức giá cước vận tải, giá phụ thu và giá dịch vụ tại cảng biển. Mức giá do thị trường quyết định. 

Dù vậy, doanh nghiệp phải đăng ký kê khai giá cước và giá các loại phụ thu với Bộ Giao thông Trung Quốc, thời gian có hiệu lực ngay khi được cơ quan nhà nước chấp thuận. Trường hợp mức giá thỏa thuận với khách hàng khác với mức giá đã đăng ký, hãng tàu phải thực hiện đăng ký lại mức giá đó.

Với những trường hợp giá cao bất thường, cơ quan nhà nước Trung Quốc sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát giá. Khi đó, doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ các hóa đơn, chứng từ để chứng minh việc tăng giá có phù hợp hay không.

Ngoài ra, năm 2020, Trung Quốc ban hành "Phương án hành động làm sạch và quy chuẩn hóa thu giá, phí tại cảng biển". Cụ thể, với các khoản phí Nhà nước quy định sẽ rà soát lại chi phí thực tế để làm căn cứ điều chỉnh mức phí cho phù hợp, cũng như hoàn thiện hệ thống danh mục thu phí. Điều này để minh bạch hóa các khoản thu tại cảng, giảm chi phí cho hàng hóa xuất nhập khẩu.

Với các loại giá theo thị trường, khi cần thiết, Chính phủ Trung Quốc sẽ điều tra giá thành để làm cơ sở xây dựng hợp lý các chính sách liên quan và chuẩn hóa thị trường.

Đề xuất hãng tàu phải đăng ký tuyến

Theo Cục Hàng hải VN, hiện nay, quy định của Việt Nam đối với giá cước vận tải và các loại phụ thu tương đương cơ chế của 4 nước. Việt Nam không quy định điều chỉnh giá cước vận tải và phụ thu, giá cước vận tải do thị trường quyết định. Chính phủ không quy định kê khai giá cước và phụ thu.

Trong việc niêm yết, Việt Nam, Trung Quốc và Hoa Kỳ quy định trường hợp tăng giá, hãng tàu phải niêm yết trước 15 ngày (đối với Việt Nam) và 30 ngày (đối với Hoa Kỳ và Trung Quốc) mới được áp dụng. 

"Quy định của Việt Nam tương đương cơ chế của Hoa Kỳ, nhưng thời gian có hiệu lực thấp hơn", đại diện Cục Hàng hải VN thông tin.

Cùng đó, Việt Nam cũng không quy định quản lý tuyến dịch vụ của hãng tàu. Việc mở tuyến, rút tuyến do hãng tàu tự quyết định.

Để tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải, Cục Hàng hải VN cho biết đang nghiên cứu đề xuất, bổ sung cơ chế quản lý tuyến vận tải cố định vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 58/2016 của Chính phủ về hướng dẫn Bộ Luật hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải.

Theo quy định hiện nay, hãng tàu cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển khi hoạt động tại Việt Nam không phải đăng ký tuyến vận tải cố định. Do đó, việc mở tuyến, hủy tuyến, bổ sung hay rút tàu đều do hãng tàu tự quyết định. 

Thời gian qua, đã có nhiều trường hợp hãng tàu bỏ chuyến, chậm chuyến ảnh hưởng đến lịch trình vận tải và kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

"Việc đăng ký và quản lý tuyến vận tải góp phần bảo đảm các hãng tàu thực hiện vận tải đúng lịch trình và kế hoạch vận tải. Đồng thời, việc quản lý tuyến giúp cơ quan Nhà nước điều tiết được hoạt động của cảng biển để phù hợp với công suất được quy hoạch", Cục Hàng hải VN thông tin.

Nguồn : Baogiaothong

+84(0)386959565