18 tàu biển Việt Nam bị lưu giữ tại cảng nước ngoài.
18 tàu biển Việt Nam bị lưu giữ tại cảng nước ngoài.
18 tàu biển Việt Nam bị lưu giữ tại cảng nước ngoài
Thống kê của Cục Đăng kiểm VN, tính tới ngày 30/6, có 18 tàu biển của Việt Nam bị lưu giữ tại cảng nước ngoài.
Đáng chú ý, chỉ trong hai tháng 5 và 6, có tới 5 tàu bị lưu giữ tại các cảng biển nước ngoài do các khiếm khuyết liên quan tới động cơ, hay các lỗi tại thời điểm chính quyền cảng lên tàu. Nhiều khiếm khuyết dễ gây ảnh hưởng tới việc bảo đảm an toàn hàng hải.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, có 18 lượt tàu biển Việt Nam bị lưu giữ tại cảng biển nước ngoài do có nhiều khiếm khuyết (Ảnh minh hoạ).
Cụ thể, tàu Green Pacific của Công ty CP Gemadept bị lưu giữ tại cảng Chu Hải (Trung Quốc) do các nguyên nhân như thiếu 02 đèn mất khả năng điều động (loại treo); Hệ thống phun sương của kho sơn không hoạt động. Các đầu phun không có áp lực nước ra trong quá trình kiểm tra; Thùng rác trong buồng máy chứa đầy giẻ dầu nhưng không có nắp đậy; Các lỗ thoát nước trên mặt boong không được đóng khi tàu nằm trong cảng.
Ngoài ra, ghi chép ngày thực tập rời tàu ngày 16/4/2024 không đúng trang trong Nhật ký hàng hải. Tàu cũng có nhật ký sai số la bàn không thực hiện đúng quy định của Công ước quốc tế về tiêu chuẩn đào tạo, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên (STCW). Tàu còn mắc lỗi cầu thang hoa tiêu đang lắp giữ không đúng theo quy định…
Cũng tại Trung Quốc, tàu HPC Sunrise của Công ty TNHH Vận tải Hải Phương bị lưu giữ tại cảng Hạ Môn. Thời điểm bị lưu giữ, tàu có nhiều vấn đề như cần gạt nước của cửa sổ kính trung tâm và mạn phải buồng điều khiển không hoạt động; Công tác điều chỉnh độ sáng cho bảng hệ thống phát hiện mức nước hầm hàng không hoạt động; Hệ thống cảm biến khói cho hầm hàng số 2 và 4 lỗi. Đường ống cứu hỏa CO2 của tàu cũng bị ăn mòn mạnh và ống thông mơi mạn phải của buồng máy bị ăn mòn lỗ (2x2cm).
Còn tại cảng Quảng Châu, tàu Haian City của Công ty TNHH Vận tải container Hải An lại bị lưu giữ do những khiếm khuyết như la bàn từ lặp trên buồng lái bị sai lệch 3 độ, còn các van điều khiển khí nén số 1 và 3 cho hệ thống van đóng nhanh bị rò rỉ. Chưa kể, một phần lan can cuối đuôi tàu bị biến dạng, còn hệ thống thiết bị hải đồ điện tử (ECDIS) không được kết nối với nguồn điện sự cố. Thiết bị chỉ được kết nối với nguồn điện trên buồng lái bằng dây điện tạm thời. Thuyền viên cũng không thực hiện được việc khởi động ECDIS bằng bộ lưu điện UPS.
Tàu SGS GREEN của Công ty TNHH thương mại vận tải quốc tế Hải Tín bị lưu giữ tại Hong Kong với nhiều khiếm khuyết. Trong đó, tàu có một lỗ thủng tại mạn phải. Đường ống cứu hỏa chính trên boong bị rò rỉ nhiều tại thời điểm kiểm tra. Tất cả các van của bơm cứu hỏa sự cố bị đóng chặt và không sẵn sàng để hoạt động.
Đáng chú ý, chính quyền cảng phát hiện hai vòi chữa cháy từ buồng máy dài hơn 15m và có nhiều vết thủng, không thể sử dụng trong quá trình kiểm tra. Nhiều trụ nước chữa cháy được phát hiện đã xuống cấp, không giữ được lớp bịt kín. Nhiều dây chữa cháy và vòi chữa cháy bị thất lạc khỏi boong chính và nhiều bộ không kết nối được với lăng chữa cháy. Trong khi đó, hệ thống chữa cháy cố định bằng khí CO2 được phát hiện với tất cả các chai bị khóa bằng các dây buộc nylong, không thể thực hiện thao tác nhả từ xa và thủ công.
Tàu còn thiếu các hải đồ và ấn phẩm hàng hải cho việc hành hải an toàn. Kế hoạch hành trình và chuyến đi chưa được chuẩn bị cho chuyến đi cuối cùng (cảng từ Cao Hùng đến Hồng Kông). Hai thiết bị báo động trên boong thượng tầng đuôi tàu cũng bị trục trặc (một không có báo động hình ảnh, một không có báo động âm thanh). Tàu còn có hệ thống van đóng nhanh không hoạt động (van được giữ bởi dây để luôn mở).
Trong khi đó tại cảng Singapore, tàu GT Win của Công ty Cổ phần Global Tanker cũng bị lưu giữ. Cụ thể, thang hoa tiêu không thỏa mãn tại thời điểm chính quyền cảng biển lên kiểm tra (Thang dây lỏng và thiếu nhiều đệm cố định ở hai bên dây, các bước thang bị nghiêng, không có đánh dấu khoảng cách, không có thẻ/đánh dấu nhận dạng cho thang). Cùng đó, việc kiểm tra, thử và bảo dưỡng thang hoa tiêu không được thực hiện. La bàn từ dự phòng cũng không có trên tàu tại thời điểm kiểm tra, trong khi thức ăn thừa, nhựa và rác không phân loại rác tuân theo Kế hoạch quản lý rác.
Cũng vướng lỗi về thang hoa tiêu, tàu Thịnh An 93 của Công ty cổ phần công nghiệp và thương mại Thịnh An bị lưu giữ tại Cảng Singapore. Theo đó, thang hoa tiêu không thỏa mãn tại thời điểm chính quyền cảng lên kiểm tra (đệm cố định ở hai bên dây bị lỏng, các bước thang bị nghiêng, không có thẻ nhận dạng trên thang, không có giấy chứng nhận của thang hoa tiêu tại thời điểm kiểm tra).
Cạnh đó, thuyền viên của tàu này không thực hiện ghi nhật ký xác nhận chính quyền cảng lên tàu. Buồng điều khiển cũng không có người trực tại thời điểm chính quyền cảng đang ở khu neo.
Đồng thời, tàu còn mắc một số khiếm khuyết như đèn và báo khỏi của phao cứu sinh ở 2 bên mạn buồng điều khiển bị tách rời khỏi phao cứu sinh. Phao cứu sinh với đèn tại mạn trái boong chính, gần vị trí hoa tiêu lên tàu bị mất…
Với các lỗi liên quan đến lỗi về quản lý an toàn quốc tế (ISM) đã cho thấy Hệ thống quản lý an toàn tàu không được thực thi hiệu quả theo Bộ luật quản lý an toàn quốc tế (ISM).
Nguồn : Baogiaothong