"Cửa sáng" cho vận tải biển.

"Cửa sáng" cho vận tải biển.

"Cửa sáng" cho vận tải biển

Giá cước vận tải biển thời gian qua có những thời điểm tăng cao, giúp các doanh nghiệp vận tải biển, nhất là doanh nghiệp kinh doanh tàu container đạt kết quả kinh doanh tích cực.

 

Kết thúc quý III/2024, báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty Hàng Hải VN (VIMC) ghi nhận hiệu quả sản xuất kinh doanh tăng cao so với cùng kỳ năm 2023.

Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp đạt hơn 4.094 tỷ đồng, tăng 26,6%. Lợi nhuận sau thuế trong quý tăng mạnh hơn 62%, đạt hơn 603,1 tỷ đồng. Luỹ kế trong 9 tháng năm 2024, VIMC đạt mức lợi nhuận sau thuế hơn 2.242 tỷ đồng, tăng hơn 76% so với cùng kỳ năm trước.

VIMC cùng các doanh nghiệp thành viên tận dụng nhiều cơ hội của thị trường để tăng trưởng doanh thu (Ảnh minh hoạ).

Theo VIMC, năm 2024, bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động như lạm phát vẫn tăng cao ở nhiều quốc gia, xung đột địa chính trị ngày càng phức tạp. Ngành vận tải biển chịu áp lực giảm thiểu lượng khí thải carbon, giảm phát thải.

Đồng thời, cuộc xung đột giữa Isreal-Hamas dẫn tới căng thẳng trên Biển Đỏ. Tình trạng thiếu container rỗng, tình trạng ùn tắc tại một số cảng châu Á... cũng tác động tới vận tải biển.

Trong bối cảnh đó, VIMC và các doanh nghiệp thành viên đã tận dụng được nhiều cơ hội, đặt mục tiêu giữ vững thị phần, tăng trưởng doanh thu ngoài hoạt động truyền thống...

Do đó, quý III/2024, lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 731 tỷ đồng, bằng 156% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm nay đạt 2.640 tỷ đồng, bằng 167% thực hiện của 9 tháng đầu năm 2023.

Thời gian qua, với những diễn biến của tình hình địa chính trị thế giới, giá cước vận tải biển có đà tăng, mang tới "cửa sáng" cho các doanh nghiệp vận tải biển.

Hiện nay, dữ liệu từ Nền tảng nghiên cứu thị trường hàng hải Drewry cho thấy, chỉ số tổng hợp Drewry WCI tăng 4% lên 3.213 USD/container 40 feet, cao hơn 126% so với mức trung bình năm 2019 (trước đại dịch) là 1.420 USD. Trước đó, thời điểm tháng 7/2024, chỉ số tổng hợp Drewry WCI có lúc đạt tới hơn 5.800 USD/container 40 feet.

Cũng là một trong những "ông lớn" trong ngành hàng hải, Công ty CP Gemadept đạt kết quả sản xuất kinh doanh khả quan.

Doanh nghiệp ghi nhận lãi sau thuế trong quý III/2024 của công ty mẹ đạt hơn 335 tỷ đồng, tăng gần 81 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Theo Gemadept, nguyên nhân chủ yếu của hiệu quả sản xuất kinh doanh này tới từ lợi nhuận gộp trong khai thác cảng, logistics và phần còn lại đến từ công ty liên doanh liên kết tăng.

Tuy có lãi sau thuế trong quý tăng song luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của Gemadept lại giảm 882 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023, đạt gần 1.225 tỷ đồng. Lý do chủ yếu đến từ sự khác biệt về lợi nhuận và quy mô của các thương vụ chuyển nhượng vốn.

Cũng ghi nhận mức lợi nhuận tích cực trong quý III vừa qua là Công ty CP Vận tải và xếp dỡ Hải An. Sau khi đưa 3 tàu container mới đóng vào sử dụng, cùng với sản lượng vận tải, giá cước vận tải thời gian qua tăng, kết thúc quý III/2024, Hải An có mức lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp này có mức doanh thu thuần đạt hơn 1.128 tỷ đồng, tăng 65,63% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ hợp nhất quý III tăng 88.51% so với cùng kỳ năm 2024, đạt hơn 199,2 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, Hải An ghi nhận lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt hơn 370,3 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước.

Lý giải của Hải An, việc đưa 3 tàu vào hoạt động giúp số tàu cho thuê của doanh nghiệp này tăng lên. Cùng đó, giá cước cho thuê tàu trong quý III cũng tăng làm tăng đáng kể doanh thu của doanh nghiệp. Chưa kể, liên danh hãng tàu Zim - Hải An cũng bắt đầu có lãi từ quý II/2024 và tăng mạnh vào quý III/2024 và sản lượng vận tải tăng nên sản lượng, doanh thu hoạt động cảng cũng tăng.

Nguồn : Baogiaothong

+84(0)386959565